Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Làng Chài Phước Hải - Một Thời Để Nhớ (tt1)

NHỮNG MÓN ĂN ĐẶC THÙ ĐỊA PHƯƠNG (tiếp theo)
Bánh trôi nước
     Nói sơ qua về bánh nghệ. Hơi khác với bánh hỏi một chút về cách làm bột. Bột bánh hỏi được quết hơi nhão để cho vô khuôn ép thành từng giề (1) lên trên vỉ, xong rồi hấp bằng xửng được bắc lên trên chảo gang thật to. Ngược lại, bánh nghệ bột dẻo và vo bằng tay, sợi bánh to cỡ mút đũa (2) se chéo theo hình số tám rồi khoanh thành hình tròn, sợi bánh dính chồng lên nhau đường kính cỡ lòng bàn tay. Cũng hấp như bánh hỏi, nhưng bánh nghệ hơi dẻo có lẽ vì bột gạo có pha thêm nếp.

     Các món bánh yểu, bánh hỏi và bánh nghệ, bánh bèo chén, bánh đúc, bánh xèo, bánh khoái và bún đều giống nhau ở chỗ ăn với nước mắm nấu. Nước mắm nấu với nước cho sôi, pha thêm đường tán cho vừa ngọt dịu. Một nồi nước mắm chấm ngon và một thố ớt bằm nhuyễn mùi thơm cay quyến rũ cũng là một bí quyết để khách ăn nhớ đời. Bánh nóng mà trét hành mỡ, chấm nước mắm, xong phải húp một miếng mới đã thèm! Ai chơi sang thì ăn với cá tươi hấp hoặc cá khô nướng, có đu đủ muối chua thì càng bắt mồi thêm nữa.
Đậu hủ ướp xả
     Còn nói tới món bánh mì, tuy không cầu kỳ sang trọng như bánh mì gà hay bánh mì chả lụa, ở Phước Hải, ngoài món bánh mì nhét mắm bằm, còn có cái đặc biệt là nhét chả cá chiên ướp ngũ vị hương. Chả cá rựa tươi dai ngọt, ướp ngũ vị hương và tỏi tươi giã nhuyễn, trộn với tiêu xay, chiên thành từng cây như ngón tay, hoặc ép dẹp tròn thành từng bánh cở bàn tay, chiên không kịp bán, nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Món chả cá chiên này mà nhậu lai rai thì cũng bắt mồi dữ lắm! Sau này có Cô Tư Đậu Hủ ở miệt dưới lên Phước Hải lập nghiệp, chuyên bán đậu hủ, thì có món đậu hủ ướp sả ra đời và bánh mì nhét đậu hủ ướp sả lại được chiếu cố, vừa rẽ, vừa bổ dưỡng... Tưới rau ở Long Phù.
     Bánh mì Sài Gòn ổ to, dài kèm theo một xâu nem Thủ Đức là quà quý lắm của dân địa phương để dành biếu xén khi có người đi Sài Gòn về. Được ăn một miếng bánh mì Sài Gòn, bên trên có một lát chuối sứ còn hơi xanh vừa chín tới, và một lát phô-mai (3) hiệu Bò Cười là một hạnh phúc trong đời. Hoặc bánh mì Sài Gòn mà phết tí bơ (4) hiệu Bretel của Tây chính hiệu, rải chút xíu đường cát, vừa mằn mặn, vừa ngòn ngọt và mùi bơ thơm quyến rũ lạ lùng!
Cà phê phin
     Cà phê mà rang với bơ Bretel là hếy ý ! Hoặc cà phê nóng mà lấy đầu tăm quệt tí bơ nhúng vào, uống quên đời! Quán cà phê ở Phước Hải là biến thể từ tiệm nuớc mà ra. Đa số bán cà phê vợt rót ra uống liền cho nóng. Dân Phước Hải mau mắn lẹ làng, miệng liền miệng, tay liền tay thì hơi đâu (5) mà ngồi chờ “cái nồi ngồi trên các cốc” (6). Cà phê phin thì chỉ mới có sau này thôi, bắt chước theo kiểu Sài Gòn, ngồi nhâm nhi nghe nhạc, dành cho dân nghề bờ hoặc đám học trò thích tân nhạc. Có nhiều tiệm nước mở cửa rất sớm cho dân đi biển, hoặc gần bến xe, sinh hoạt ồn ào náo nhiệt lắm. Xung quanh là các sạp, hàng gánh bày bán đủ thứ thức ăn từ cơm, cháo, xôi, chè cho tới bánh canh giò heo, hủ tiếu...mỗi người bán mỗi món. Đến sáng thì hàng quán, gánh rong buôn bán tấp nập. Có nhiều nhà, sáng điểm tâm xách tô ra góc đường gần nhà mua về ăn, khỏi nấu nướng chi cho cực mà lại khoái khẩu nữa (7).


Còn tiếp...



Chú thích:
1 : giề là lớp dày. Một giề bánh hỏi gồm những sợi nhỏ dính với nhau dày, to cỡ bốn ngón tay. 
2 : mút đũa hay còn gọi là đầu đũa, chuốt hơi nhỏ để gắp thức ăn. 
3 : phô-mai : fromage/cheese. 
4 : beure/butter. 
5 : chớ hơi đâu, chớ hơi sức đâu, ý muốn nói không có thì giờ rãnh rỗi. 
6 : cái nồi ngồi trên các cốc : cà phê phin (filtre). 
7 : khoái khẩu: ngon miệng. 


Biên soạn: Đứa Con Làng Chài cùng một số thân hữu đồng hương Phước Hải. 
Ảnh: Những người con làng chài Phước Hải: Phạm Băng Hồ, Lê Văn Kim, Trần Bách Linh, Lê Kim Ngọc, Lê Thiên Hương, Lâm Minh Nghị và một số ảnh tài liệu có ghi chú xuất xứ.

2 nhận xét: